Răng khấp khểnh: Phương Pháp & Cách khắc phục hiệu quả Nhất
Những chiếc răng khấp khểnh, mọc chen chúc không đều nhau trên cung hàm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai và giá trị thẩm mỹ của khuôn mặt. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và khắc phục như thế nào? Để được giải đáp chi tiết, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Răng khấp khểnh là gì?
Răng khấp khểnh là tình trạng những chiếc răng mọc sai lệch vị trí hoặc hướng mọc trên cung hàm. Biểu hiện cụ thể là các răng mọc chen chúc, chồng chéo lên nhau, cái thò ra thụt vào hoặc chìa ra ngoài không đồng nhất. Nguyên nhân thường do thiếu khoảng trống trên cung hàm.
Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt mà còn làm sai lệch khớp cắn và ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai. Hơn nữa với những chiếc răng khấp khểnh việc vệ sinh cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi vậy, khi gặp tình trạng này bạn nên đến nha sĩ kiểm tra thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện các bệnh lý răng miệng và có hướng khắc phục phù hợp.
Xem thêm:
- Răng hàm là gì? Chức năng và một số vấn đề thường gặp phải
Nguyên nhân hình thành răng khấp khểnh
Mỗi người đều mong muốn có thể sở hữu một hàm răng đều đẹp, tuy nhiên có rất nhiều trường hợp không may mắn lớn lên với những chiếc răng khấp khểnh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm như sau:
- Yếu tố di truyền: Đây là một trong những lý do hàng đầu khiến răng bạn mọc lệch lạc, không đều nhau và làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt. Cụ thể là nếu trong gia đình có bố mẹ, ông bà sở hữu hàm răng khấp khểnh thì bạn sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
- Mất răng quá sớm: Ở trong giai đoạn răng chưa thực sự trưởng thành mà bị mất đi sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới vị trí của các răng khác, do các răng sẽ di chuyển sang vị trí trống. Đồng thời khi răng sữa được thay thế bởi các vĩnh viễn có kích thước lớn hơn thì chúng cũng sẽ không có đủ không gian, từ đó dẫn đến tình trạng mọc lấn sang các khu vực xung quanh.
- Ảnh hưởng của quá trình chỉnh hình răng: Trong quá trình các bác sĩ tiến hành làm mão răng hoặc cầu răng sẽ tạo ra áp lực khá lớn và làm các các răng bị di chuyển. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến khớp cắn và gây ra tình trạng răng mọc chen chúc vào nhau.
- Các thói quen xấu tác động lên răng: Một số thói quen của trẻ nhỏ như mút tay, uống sữa bình, ngậm núm vú giả,… cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng bị khấp khểnh, lệch lạc khi bước vào tuổi trưởng thành. Bởi việc duy trì những thói quen này có thể khiến các răng phải chịu áp lực lớn và dịch chuyển sang vị trí khác. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mọc chếch ra phía ngoài, làm sai lệch khớp cắn và tạo ra khoảng cách của hai hàm.
- Do bệnh lý về nướu răng: Các vấn đề liên quan đến nướu răng như viêm, chấn thương, nhiễm trùng,… có thể gây ra ảnh hưởng rất lớn đến răng. Cụ thể chúng dẫn đến sự thay đổi liên kết giữa các răng và toàn bộ hàm răng làm cho cấu trúc của răng bị lỏng lẻo hơn.
- Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể: Theo thời gian, cơ thể chúng ta sẽ già đi và hàm răng cũng vậy. Các chuyên gia cho biết tuổi càng cao, hàm răng của mỗi người sẽ ngày càng dịch chuyển dần về phía trước. Nguyên nhân do mật độ của xương bị suy giảm và các răng thay đổi về hình dạng, từ đó dẫn đến tình trạng răng khấp khểnh và không đồng đều.
- Nhổ răng không đúng cách: Trong giai đoạn thay răng sữa ở trẻ nếu nhổ răng không đúng cách cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ hàm răng sau này. Bởi vậy, các bố mẹ cần hết sức lưu ý và xin tư vấn của các nha sĩ, tránh trường hợp để răng mọc lệch lạc, khấp khểnh khi đến tuổi trưởng thành.
- Do chăm sóc răng miệng: Nếu bạn chăm sóc răng miệng không sạch sẽ và đúng cách sẽ tạo điều kiện cho các bệnh lý hình thành, phát triển, đặc biệt phải kể đến như viêm lợi, nha chu, sâu răng,… Hơn nữa, trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải nhổ răng để khắc phục các tình trạng trên. Điều này sẽ dần làm ảnh hưởng đến các răng khác, làm chúng có xu hướng dịch chuyển về vị trí của những răng đã mất dẫn đến lệch lạc, nghiêng ngả và chồng chéo lên nhau.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác liên quan đến tình trạng răng khấp khểnh hoặc hô móm là do thiếu hụt canxi, các vitamin C, D, K,… Các chất dinh dưỡng này nếu không được bổ sung đầy đủ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành cấu trúc xương.
Cùng tìm hiểu:
- [Giải đáp ngay] Răng khểnh là gì? Có nên niềng răng khểnh không?
Tác hại của răng khấp khểnh
Tình trạng răng khấp khểnh không chỉ khiến bạn ngại ngùng, mất tự tin khi giao tiếp bởi tính thẩm mỹ không cao mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng cũng như toàn cơ thể. Cụ thể về những tác hại của nó đến chủ nhân như sau:
- Ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ: Những người có hàm răng mọc lộn xộn, khấp khểnh, lung tung, mỗi cái một nơi một hướng thường bị người khác gọi là “răng 9630”. Vào những lúc họ nói chuyện hay cười, chúng sẽ lộ ra ngoài một cách “vô duyên” và nhiều trường hợp còn gây mất thiện cảm với người xung quanh. Hàm răng khiếm khuyết này khiến họ thấy mặc cảm, mất tự tin, ngại đối diện với người khác và giao tiếp.
- Cản trở đến việc ăn uống và phát âm hàng ngày: Với hàm răng mọc khấp khểnh, không đều nhau, sai lệch về khớp cắn thì việc xé nhỏ và nghiền thức ăn trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, bạn sẽ không thể thoải mái ăn những đồ ăn ưa thích, quá dai hay quá cứng. Bên cạnh đó, các khe hở giữa các răng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phát âm của bạn. Người bệnh dễ gặp phải các vấn đề như nói ngọng, nói lắp và mất tự tin khi giao tiếp với người khác.
- Dễ mắc các bệnh lý về răng miệng: Răng khấp khểnh thường khó vệ sinh hơn hàm răng thông thường. Vi khuẩn và các mảng bám thức ăn tích tụ lại lâu ngày, bám sâu vào chân răng, kẽ răng dễ gây ra các bệnh như hôi miệng, viêm lợi, nha chu, sâu răng,.. Trong những trường hợp này nếu không được xử lý kịp thời, nguy cơ bạn bị mất răng là rất cao.
- Ảnh hưởng không tốt đến dạ dày: Các răng mọc lộn xộn thường sẽ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của cả hai hàm. Hệ quả của việc thực ăn không được nhai kỹ là dạ dày và hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn, thậm chí là quá tải và dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm.
- Tác động đến khớp Thái Dương Hàm: Hàm răng bị khấp khểnh dẫn đến hiệu quả ăn nhai bị giảm, lâu ngày có thể gây mỏi hàm. Bạn cũng có thể nghe thấy những tiếng kêu lục đục và thậm chí làm lệch khớp Thái Dương Hàm. Đây chính là biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất mà tình trạng răng mọc lộn xộn này có khả năng gây ra.
- Về mặt nhân tướng học: Đối với một số người, họ cho rằng những chiếc răng khấp khểnh mà có hình dáng giống răng nanh của hổ thì chủ nhân sở hữu thường không có tính nhẫn nại và ít thể hiện cảm xúc.
Hướng khắc phục tình trạng răng bị khấp khểnh tốt nhất hiện nay
Để ngăn ngừa những tác động xấu do răng bị khấp khểnh, lệch lạc gây ra thì bạn nên đi thăm khám nha khoa sớm để xin tư vấn chi tiết. Tại đây tùy vào tình trạng lệch lạc của hàm răng cũng như mong muốn của từng khách hàng, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp. Thông thường sẽ bao gồm những biện pháp chủ yếu dưới đây:
Bọc răng sứ cho hàm răng
Trong trường hợp răng bị khấp khểnh ở mức độ nhẹ thì các bác sĩ có thể sẽ tư vấn cho bạn phương pháp bọc răng sứ. Lúc này, nha sĩ sẽ tiến hành mài răng, sau đó gắn các mão sứ phục hình thân răng ở phía ngoài. Điều này sẽ giúp các răng có thể thẳng hàng với các răng khác trên cung hàm.
Ưu điểm:
- Biện pháp này có thể tái tạo được khớp cắn chuẩn xác cho những trường hợp sai lệch nhẹ, đặc biệt là vị trí răng cửa, từ đó vệ sinh và ăn nhai dễ dàng hơn.
- Khắc phục tình trạng hàm răng mọc xô lệch, chen chúc và không theo đường lối của bạn trở nên đều, thẳng hàng hơn.
- Phần mão răng sứ sẽ được chế tác đúng theo hình dáng, kích thước và màu sắc tự nhiên, thẩm mỹ nhất.
- Bên cạnh đó, không chỉ giúp tái tạo hình thể răng, phương pháp này còn giúp cải thiện tình trạng răng ố vàng, xỉn màu và trở nên trắng sáng hơn.
- Tiết kiệm được thời gian chờ đợi để nhanh chóng có được hàm răng đều đẹp như mong muốn, thường chỉ mất 2 – 4 ngày.
- Trong nhiều trường hợp, bọc răng sứ còn là cách bảo vệ các răng khấp khểnh khỏi sự tấn công của tác nhân gây hại từ bên ngoài như nhiệt độ, vi khuẩn,…
- Tuổi thọ của phương pháp này lên đến 15 năm nếu người bệnh biết chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Chi phí bọc sứ rất đa dạng, bởi vậy phù hợp với điều kiện của hầu hết mọi người.
Hạn chế:
- Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ cần tiến hành mài răng và có khả năng làm tổn thương đến cấu trúc răng thật.
- Đối với các trường hợp khấp khểnh quá nặng thì không thể áp dụng được cách bọc sứ.
- Tùy vào tình trạng răng miệng của mỗi người và quá trình chăm sóc mà các mão răng sứ có thể bị tụt, từ đó gây ra các bệnh lý về răng miệng.
Niềng răng cho trường hợp khấp khểnh
Theo các chuyên gia, đây phương pháp nắn chỉnh răng hiệu quả và an toàn. Hơn nữa có thể áp dụng với nhiều trường hợp nặng mà không thể bọc răng sứ. Hiện nay, niềng răng có rất nhiều phương pháp khác nhau như chỉnh nha mắc cài hoặc máng niềng trong suốt. Tùy vào tình trạng răng miệng, nhu cầu thẩm mỹ và kinh tế của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn loại niềng phù hợp nhất.
Ưu điểm:
- Bạn sẽ không phải mài cùi răng, bởi vậy không làm tổn thương đến cấu trúc răng thật và để lại nguy cơ gây ra biến chứng.
- Sau khi hoàn thành, chức năng ăn nhai vẫn được đảm bảo 100%.
- Phương pháp niềng răng phù hợp với nhiều mức độ răng mọc lệch lạc, lộn xộn khác nhau.
Hạn chế:
- Thời gian thực hiện sẽ kéo dài hơn so với khi làm răng sứ, trung bình từ 12 – 24 tháng. Đồng thời người bệnh cũng sẽ phải kiên trì tái khám đều đặn mỗi tháng để có được kết quả tốt nhất.
- Trong suốt thời gian đeo khí cụ niềng, việc ăn uống và vệ sinh thường gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, bạn cần chú ý chăm sóc thật kỹ lưỡng, tránh để mắc các bệnh lý về răng miệng.
Phẫu thuật chỉnh hình
Đối với những trường hợp, răng bị khấp khểnh là do cấu trúc xương hàm gồ ghề, quá dày thì áp dụng 2 phương pháp trên hoàn toàn không có hiệu quả. Lúc này, sau khi khám chi tiết các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên thực hiện phẫu thuật chỉnh hình răng. Cụ thể là bác sĩ sẽ tiến hành cắt nướu, mài ổ xương,… để đưa các răng mọc lệch lạc về đúng vị trí và có thể đều thẳng với các răng khác trong cung hàm.
Ưu điểm:
- Phương pháp này có thể khắc phục được mọi tình trạng răng lệch lạc, khấp khểnh.
- Hiệu quả sau khi tiến hành phẫu thuật có thể duy trì vĩnh viễn.
Hạn chế:
- Chi phí để phẫu thuật chỉnh hình răng tương đối cao nên không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.
- Sau thời gian phẫu thuật cần một thời gian nhất định để các vết thương được làm lành thì người bệnh mới có thể sinh hoạt bình thường.
- Đây là phương pháp khó đòi hỏi phải được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề cao, nếu không hoàn toàn có thể ra những biến chứng nguy hiểm.
Những lưu ý để chăm sóc hàm răng luôn khỏe mạnh
Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng với mỗi người đều rất quan trọng để ngăn ngừa các bệnh lý như sâu răng, nha chu hay viêm nhiễm,… Đặc biệt là những ai sở hữu hàm răng khấp khểnh càng cần quan tâm và tỉ mỉ hơn vì chúng tương đối khó vệ sinh. Cụ thể bạn nên lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ để loại bỏ các vi trùng và mảng bám tích tụ trong cả một ngày dài làm hình thành lên cao răng.
- Chải răng đúng cách theo một chuyển động tròn và nhẹ nhàng trong vòng khoảng 2 phút. Lưu ý chải kỹ tránh để thức ăn bám lại giữa các kẽ răng, đặc biệt khi chúng không thẳng hàng và đều nhau.
- Bạn nên ưu tiên sử dụng các loại kem đánh răng chứa fluoride. Điều này sẽ giúp tạo ra một hàng rào bảo vệ hàm răng của bạn, từ đó ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng, đặc biệt là sâu răng.
- Dùng chỉ nha khoa cùng với máy tăm nước để làm sạch các kẽ răng. Bởi nếu chỉ chải răng thông thường gần như không thể tiếp cận để lấy đi toàn bộ những mẩu thức ăn nhỏ ẩn nấp trong kẽ của những chiếc răng khấp khểnh.
- Sử dụng nước súc miệng để làm sạch toàn diện cho toàn bộ khoang miệng nhằm ngăn chặn các bệnh lý. Nó sẽ giúp làm sạch khu vực nướu, những vị trí khó chải, tái khoáng cho răng và giảm bớt lượng axit phía trong miệng.
- Uống nhiều nước mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể và răng miệng. Đặc biệt là bạn nên uống nước vào sau bữa ăn để ngăn ngừa ảnh hưởng không tốt từ những thực phẩm có tính axit.
- Bổ sung các loại trái cây và rau củ chứa chất xơ lành mạnh để răng thêm chắc khỏe và ngăn ngừa các bệnh lý liên quan. Đồng thời, bạn nên hạn chế ăn đường và các thức ăn chứa axit để tránh làm mòn men răng và dẫn đến sâu răng.
- Bạn nên đi khám răng định kỳ 2 lần/năm nhằm phát hiện và kịp thời loại bỏ nguy cơ sâu răng cũng như những vấn đề khác.
Như vậy, bài viết trên đây của chúng tôi đã cung cấp cho bạn đọc những thông tiết chi tiết về tình trạng hàm răng khấp khểnh. Các bạn lưu ý nên tìm đến những cơ sở nha khoa uy tín để được các bác sĩ tư vấn cụ thể, chính xác, từ đó cải thiện tốt hơn và ngăn ngừa được các bệnh lý về răng miệng. Chúc các bạn sớm có một hàm răng đều đẹp, khỏe mạnh và nụ cười tỏa sáng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!