Răng Cửa: Đặc Điểm, Vai Trò Và Cách Chăm Sóc Hiệu Quả
Răng cửa là chiếc răng đóng vai trò cực kỳ quan trọng về tính thẩm mỹ. Tuy nhiên nó lại có hình dạng và cấu tạo không vững chắc so với nhóm răng cối nên rất dễ bị sâu, sứt, mẻ. Vậy răng cửa có vị trí, chức năng cụ thể như thế nào và thường gặp những bệnh lý gì?
Răng cửa là gì? Nằm ở vị trí nào?
Người trưởng thành sẽ có tổng cộng 32 chiếc răng (bao gồm cả 4 chiếc răng khôn). Trong đó mỗi hàm có 16 răng.
32 chiếc răng trên cả hai hàm được chia thành 4 nhóm chính. Cụ thể là nhóm răng hàm (răng cối), nhóm răng tiền hàm, nhóm nhóm răng nanh và nhóm răng cửa.
Răng cửa được xem là nhóm răng rất dễ dàng xác định cũng như quan sát nhất. Nguyên nhân là nó nằm ở vị trí phía trước, ngay trung tâm hàm, bao gồm cả răng cửa giữa và răng cửa bên. Chúng có số thứ tự lần lượt là 1 và 2 trong cung hàm.
Chính vì nằm ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát nên nhóm răng cửa cũng dễ dàng được vệ sinh sạch sẽ. Khi gặp các vấn đề như sâu răng, hô, sứt, mẻ thì việc phục hồi chúng cũng có thể đơn giản hơn. Đáng chú ý, việc bạn có một nụ cười đẹp, tự nhiên hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhóm răng này.
Đọc thêm:
- [Giải đáp ngay] Răng khểnh là gì? Có nên niềng răng khểnh không?
Đặc điểm của răng cửa
Các răng cửa đều có hình dáng giống như một chiếc xẻng có rìa cắn sắc bén và diện tích nhỏ. Chiếc răng này chỉ có 1 chân răng và được cấu tạo từ 3 lớp từ ngoài vào trong là men răng, ngà răng và tủy răng. Cụ thể:
- Men răng: Men răng là lớp bao phủ bên ngoài của răng. Đây là lớp cứng nhất do chứa hàm lượng khoáng rất cao lên đến 96%, 4% còn lại là nước và các vật liệu hữu cơ. Men răng được sản sinh từ một loại tế bào đặc biệt gọi là nguyên bào men. Khi chân răng vì một nguyên nhân nào đó nhô hết ra ngoài thì nguyên bào men cũng bị chết đi. Vì thế men răng được chỉ sinh ra một lần trong chu kỳ sống của một con người và không có khả năng tự tái tạo sau khi bị tổn thương.
- Ngà răng: Ngà răng được hình thành trước men răng. Thành phần này cùng với men răng sẽ đảm nhiệm chức năng bảo vệ buồng tủy và nâng đỡ cấu trúc của răng. Ngà răng có cấu tạo từ 70% khoáng chất, 20% chất hữu cơ và còn lại là 10% nước. Khác với men răng, ngà răng có tính xốp và độ đàn hồi cao. Nó thậm chí còn mềm hơn xương.
- Tủy răng: Tủy răng bao gồm buồng tủy và các ống tủy. Nó có khả năng sản sinh ra ngà răng và cung cấp chất dinh dưỡng và độ ẩm cho răng. Chức năng này nhờ vào hệ thống mạch máu và dây thần kinh bên trong tủy.
Vai trò của răng cửa
Răng cửa đảm nhiệm các vai trò đặc biệt quan trọng, cụ thể là:
- Chức năng thẩm mỹ: Nhóm răng cửa góp phần tạo ra vẻ đẹp cho nụ cười và khuôn mặt của chúng ta. Bởi khi cười, răng cửa sẽ được người đối diện nhìn thấy đầu tiên. Đó là lý do vì sao bạn không thể nào có được một nụ cười đẹp nếu như có khuyến khuyết tại nhóm răng này.
- Chức năng ăn nhai: Nhờ có mặt nhai sắc nhọn mà răng cửa giúp cắn đứt thức ăn thành từng miếng nhỏ trước khi chúng được chuyển đến răng cối để nghiền nhuyễn.
- Chức năng phát âm: Nhóm răng cửa cũng là một bộ phận quan trọng trong các cơ quan cấu âm của con người. Cụ thể, nó giúp chặn luồng hơi ra ngoài. nhờ vậy một số âm mới có thể được phát ra chuẩn xác. Trên thực tế, trẻ em bị sâu răng cửa thường phát âm không đúng một số âm cơ bản và có thể ảnh hưởng về mặt tư duy ngôn ngữ so với những bé khác.
Một số vấn đề thường gặp tại răng cửa
Mọc thưa, mọc lệch lạc, to, mất răng hay bị sâu là một số vấn đề thường gặp tại răng cửa.
Răng cửa bị thưa hoặc mọc lệch
Răng cửa mọc thưa, mọc lệch là vấn đề mà rất nhiều người đã và đang gặp phải. Tình trạng này khiến nụ cười bị mất đi tính thẩm mỹ và vẻ đẹp tự nhiên.
Răng cửa mọc thưa hoặc lệch lạc có thể do rất nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố bẩm sinh do cung hàm quá rộng thì tình trạng này còn xuất phát từ thói quen xấu lúc nhỏ làm ảnh hưởng đến độ sát nhau của răng vĩnh viễn.
Để khắc phục hiệu quả tình trạng răng thưa, mọc lệch bạn có thể tham khảo kỹ thuật bọc răng sứ, dán sứ veneer, hàn trám răng hoặc niềng răng chỉnh nha. Tùy vào mức độ thưa răng và tình trạng răng miệng mà nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp.
Răng cửa to
Răng cửa to không phải là vấn đề răng miệng quá hiếm gặp. Thậm chí tình trạng này còn khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Răng cửa to không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn dễ khiến cho thức ăn thường xuyên dính giắt vào kẽ răng. Nếu vệ sinh không sạch, đây sẽ là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây ra hàng loạt bệnh lý răng miệng.
Để khắc phục tình trạng răng cửa to, nha sĩ có thể chỉ định bạn bọc răng sứ hoặc niềng răng.
Sâu răng cửa
Sâu răng được xem là bệnh lý về răng miệng rất thường gặp nhất. Sâu răng không chỉ gây ra những tổn thương về mặt cấu trúc của răng mà còn gây ra những cơn đau nhức, ê buốt kéo dài. Nếu không được điều trị sớm sức khỏe răng miệng trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ mất răng.
Để khắc phục tình trạng sâu răng cửa, bạn có thể tham khảo kỹ thuật trám răng, bọc răng sứ hoặc nhổ răng.
Mất răng cửa
Răng cửa nằm ở vị trí ngoài cùng và chỉ có 1 chân răng duy nhất nên rất dễ bị gãy, rụng. Tình trạng này có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tai nạn, chấn thương hoặc bệnh lý răng miệng.
Răng cửa bị mất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, khả năng phát âm và ăn nhai. Bởi vậy, bạn bắt buộc phải khắc phục sớm tình trạng này.
Để khắc phục tình trạng mất răng, cách duy nhất mà bạn có thể làm đó là trồng răng mới. Cụ thể là kỹ thuật trồng răng Implant.
Làm sao để có chiếc răng cửa đẹp?
Để các răng cửa luôn luôn khỏe mạnh, bền đẹp, ngoài việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách thì bạn cũng nên lưu ý hơn đến chế độ ăn uống. Trong đó quan trọng nhất là từ bỏ các thói quen gây hại đến sức khỏe răng miệng.
Chăm sóc, vệ sinh răng miệng:
- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có chứa fluor để ngăn ngừa hình thành các mảng bám vôi răng.
- Đánh răng ngay sau khi ăn bữa chính khoảng 10 phút, nhất là khi bạn ăn những thức ăn có hàm lượng đường cao.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý, dùng chỉ nha khoa sau khi ăn để loại bỏ sạch sẽ cặn thức ăn bám trên bề mặt răng và cả kẽ răng. Chú ý không dùng tăm xỉa răng để tránh gây tổn thương nướu.
- Chú ý thay bàn chải đánh răng mới sau mỗi 3 tháng hoặc khi chúng có dấu hiệu bị mòn.
- Không dùng răng để cắn các vật cứng chẳng hạn như nắp chai, túi nilon,…
- Đeo dụng cụ bảo vệ hàm mỗi khi tham gia chơi thể thao, đặc biệt là các bộôn mạo hiểm, dễ xảy ra chấn thương.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ 3 hoặc 6 tháng 1 lần tại phòng khám nha khoa uy tín hoặc khi bạn nhận thấy bất cứ vấn đề bất thường nào trên răng.
Chế độ ăn uống:
- Hạn chế dung nạp các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao, đặc biệt là bánh ngọt, kẹo, mứt, hoa quả sấy khô, hạt khô…
- Hạn chế ăn các thực phẩm có tính axit mạnh, không tốt cho sức khỏe răng miệng.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá và đồ uống chứa gas. Bởi đây chính là tác nhân hàng đầu gây sâu răng.
- Chú ý bổ sung thêm thực phẩm có chứa canxi và flour vào thực đơn mỗi ngày để tăng độ cứng chắc cho răng.
- Ăn nhiều rau, củ, quả và uống nhiều nước để làm sạch khoang miệng, tăng sức đề kháng cho cơ thể, ngăn chặn các tác nhân gây hại cho răng.
Từ những thông tin trên có thể thấy răng cửa đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là đối với mặt thẩm mỹ. Bởi vậy, bạn cần phải đặc biệt chú ý về chế độ chăm sóc, vệ sinh răng miệng cũng như ăn uống để chiếc răng nói riêng và toàn bộ hàm răng nói chung luôn khỏe mạnh, bền đẹp.
Xem ngay:
- Răng hàm là gì? Chức năng và một số vấn đề thường gặp phải
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!