Áp xe quanh chóp răng: Những điều cơ bản cần biết
Khi một chiếc răng liên tục nhức nhối và khiến bạn thức dậy vào ban đêm với những cơn đau buốt thì có thể là một điều đáng lo ngại hơn việc đau răng thông thường. Áp xe quanh chóp răng là biểu hiện nguy cơ nhiễm khuẩn đã lan tới răng.
Áp xe quanh chóp răng là gì
Áp xe quanh chóp răng (periapical abscess) bắt nguồn từ khoang bên trong của răng được gọi là buồng tủy. Chứa trong buồng tủy là các mạch máu và dây thần kinh, gọi chung là “tủy răng”. Trước khi hình thành áp xe, về cơ bản, răng đã mất khả năng chống nhiễm trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập buồng tủy và thoát ra từ chóp của chân răng vào xương. Áp xe là một tập hợp mủ được tạo thành từ các tế bào bạch cầu chết, mảnh vụn mô và vi khuẩn.
Áp xe quanh chóp răng khác với áp xe nướu răng hay áp nha chu do nguồn nhiễm trùng ban đầu. Áp xe quanh chóp răng bắt nguồn từ tủy răng và thoát ra khỏi răng ở chóp chân răng. Áp xe nướu hay áp xe nha chu bắt đầu từ trong túi nướu ngoài răng bên cạnh chân răng do bệnh vùng lợi và quanh răng. Điều trị sẽ phụ thuộc vào nơi nhiễm trùng bắt nguồn.
Một chiếc răng bị áp xe sẽ gây cơn đau từ trung bình đến rất đau, có trường hợp áp xe răng bị đau lan ra tai và cổ. Như vậy, áp xe quanh chóp răng hay cuống răng là loại áp xe khu trú ở chóp răng bị tổn thương.
Dấu hiệu và triệu chứng áp xe quanh chóp răng
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là răng chuyển sang màu tối với răng xung quanh. Các sản phẩm phụ từ tủy thấm vào lớp răng xốp gây ra sự đổi màu này.
Một số triệu chứng thường gặp ở người bị áp xe quanh chóp răng như đau răng, nhai đau, nhạy đau, ê răng lúc nóng hoặc lạnh, vị đắng trong miệng, hơi thở hôi, có thể nóng, sốt, sưng hạch cổ, người khổng khỏe, mệt mỏi, hàm trên hoặc hàm dưới sưng, cắn chặt hoặc ngậm miệng chặt thấy đau, nướu răng có thể sưng đỏ, mủ đặc chảy ra.
Bệnh áp xe quanh chóp răng nếu được điều trị sớm, kịp thời sẽ hạn chế các biến chứng. Tuy nhiên, biến chứng có thể xảy ra nếu tình trạng áp xe răng không được điều trị hoặc điều trị không triệt để:
- Viêm mô tế bào lan tỏa ngách hành lang, áp xe ở vòm miệng, ở sàn miệng xuống hai bên vùng dưới lưỡi, dưới hàm và vùng dưới cằm. Trường hợp nặng có thể bị tắc nghẽn đường hô hấp, gây ngạt thời dẫn đến tử vong.
- Áp xe ngoài mặt như: Áp xe má và vùng dưới hàm, viêm tấy lan rộng sàn miệng, viêm tấy lan rộng hố thái dương.
- Tình trạng nhiễm trùng xoang hàm, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (có thể xảy ra khi vi khuẩn từ một áp xe răng qua các mạch máu đến tim, gây nhiễm trùng và có thể đe dọa tính mạng), áp xe não (vi khuẩn có thể lây lan từ răng đến não, thông qua các mạch máu, gây nhiễm trùng não và dẫn đến hôn mê).
Xem thêm: Áp xe răng khôn – Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
Cũng nên lưu ý răng áp xe quanh chóp răng đôi khi không có bất kỳ dấu hiệu nào cả. Bởi vì răng đã chết, không phản ứng khi kích thích. Tuy nhiên, áp xe vẫn có thể lan rộng. Đôi khi, một chiếc răng bị áp xe quanh chóp răng được phát hiện trong một cuộc kiểm tra X-quang thường quy trong đó bệnh nhân hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu nào của một chiếc răng bị áp xe.
Nguyên nhân gây ra áp xe quanh chóp răng
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này có thể kể đến sâu răng và nứt răng. Ban đầu, vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng làm cho tủy răng bị viêm và gây chết tủy. Sau khi tủy răng chết, các vi khuẩn tiếp tục lan tới chóp răng hình thành áp xe chóp răng.
Ngoài nguyên nhân trên, áp xe quanh chóp răng có thể xảy ra khi răng bị sang chấn mạnh làm cho mạch máu bị tổn thương dẫn tới viêm quanh cuống răng. Áp xe quanh chóp răng có thể tập trung ở các vị trí khác nhau như ở dưới, hoặc trên màng xương và trong các phần mềm.
Một trong những lý do tăng nguy cơ áp xe quanh chân răng như vệ sinh răng miệng kém, ăn nhiều đường, sức đề kháng kém… tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và cư trú.
Áp xe quanh chóp răng có gây biến chứng nguy hiểm?
Với điều trị nha khoa thích hợp, một áp xe răng có thể được xử lý khá dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các biến chứng có thể xảy ra.
Hầu hết, các biến chứng phát sinh như là kết quả của nhiễm trùng lây lan vi khuẩn khi áp xe không được điều trị.
- Nhổ bỏ mất răng: Trường hợp này dành cho tình trạng nhiễm trùng nặng lan ra từ chân răng và đi vào xương hàm, lan ra mô mềm. nếu không chữa trị đúng cách có thể không giữ và bảo tồn được răng.
- Nang do răng: Nếu một răng áp xe không được chữa trị, một khoang chứa đầy dịch có thể phát triển ở phía dưới chân răng.
- Nhiễm trùng xoang hàm: Có thể xảy ra nếu nguyên nhân từ các răng hàm trên có trị trí gần các xoang.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Có thể xảy ra khi vi khuẩn từ một áp xe răng qua mạch máu. Những vi khuẩn này có thể đến tim gây nhiễm trùng và đôi khi dẫn đến hậu quả chết người.
Cách điều trị áp xe quanh chóp răng
Ở răng trưởng thành, phương pháp điều trị thông thường cho răng bị áp xe bắt đầu bằng việc loại bỏ nhiễm trùng đúng cách. Điều trị phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng răng đã lan rộng. Quá trình hành động thường liên quan đến kháng sinh đường uống như penicillin. Răng được mở để loại bỏ các tổ chức bị nhiễm khuẩn trong buồng tủy. Nếu cần, chích rạch và dẫn lưu tại mô mềm để tiếp tục thoát mủ và giảm áp lực của nhiễm trùng đang phát triển.
Cụ thể:
Giai đoạn mới sưng
Giai đoạn này tình trạng bệnh vẫn chưa nặng, chỗ áp xe vẫn chưa tụ máu nghiêm trọng nên việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Người bệnh có thể súc miệng bằng nước muối, nước ấm hoặc đắp gạc ấm để giảm đau.
Bên cạnh đó, nên kết hợp dùng kháng sinh để ngăn chặn sự lây lan và phát triển của vi khuẩn.
Giai đoạn hình thành áp xe
Nếu tình trạng vết thương diễn biến ngày càng nặng thì người bệnh cần chú ý theo dõi. Khu vực tổn thương bị mủ cần rạch dẫn lưu áp xe ở điểm thấp nhất. Tùy vào vị trí tụ mủ và tình trạng áp xe mà bác sĩ sẽ xác định vị trí rạch phù hợp.
Nếu như áp xe hình thành dưới màng xương thì cần làm tiểu phẫu rạch qua màng xương. Trường hợp áp xe đã qua màng xương đi vào phần mềm hay mặt trong của xương hàm thì cần chọn điểm rạch ở gần chỗ chuyển sóng.
Trong trường hợp không thể rạch qua xương hàm, có thể bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng. Trong trường hợp này, chỉ có nhổ răng mới dẫn lưu được hết mủ lưu trí trong ổ răng. Nếu chần chừ không nhổ răng, rất có thể vi khuẩn sẽ lan rộng vào tổ chức gây viêm xương và nhiễm độc toàn thân.
Trong khi mang thai, áp xe răng đòi hỏi phải chú ý xử lý ngay lập tức để giảm thiểu sử lây lan của nhiễm trùng. Bất kỳ nguy cơ nhiễm trùng trong khi mang thai đều là mối quan tâm vì nhiễm trùng có thể nghiêm trọng hơn và dễ gây hại cho thai nhi.
Trong một số tình huống, nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng và đòi hỏi can thiệp ngay lập tức. Nếu chưa gặp được nha sĩ ngay lúc đó, người bệnh bị sốt, sưng ở mặt hoặc sưng ở hàm nên đến ngay phòng cấp cứu. Thăm khám cấp cứu là bắt buộc nếu khó thở hoặc nuốt.
Lưu ý phòng ngừa áp xe quanh chóp răng
Để phòng ngừa áp xe quanh chóp răng, bạn cần chủ động chăm sóc răng miệng và áp dụng linh hoạt cách phòng tránh sau đây để đảm bảo răng lợi khỏe mạnh:
- Cần khám nha khoa định kỳ và lấy vôi răng 6 tháng/lần nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về răng miệng.
- Chải răng sau mỗi bữa ăn, chải răng đúng phương pháp, dùng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng, tránh các biến chứng về sau.
- Phục hồi các tổn thương như trám các răng sâu, phục hình lại các răng mất, điều chỉnh các răng lệch…
- Hạn chế ăn kẹo, hút thuốc là vì chúng là nguyên nhân gây sâu răng và tàn phá răng hàng ngày.
- Hạn chế thức ăn nóng, lạnh, cay, những thức ăn này gây tổn thương cho nướu, tụt nướu và làm mất thẩm mỹ răng miệng.
Ngoài ra, cần tránh chế độ ăn mất cân đối, làm khiếm khuyết vitamin và muối khoáng, bổ sung nhiều nước để tránh không khô miệng. Nếu bị khô miệng, nên ăn kẹo không đường hoặc chewing-gum không đường để kích thích việc tiết nước bọt. Hạn chế những thức ăn gây sâu răng như có chất bám dính, nhiều đường, nhiều chất béo…
Hy vọng bài viết mang đến cho bạn một số thông tin hữu ích về bệnh áp xe răng. Khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào về nha khoa, hãy nhanh chóng đến địa chỉ nha khoa tin cậy để thăm khám và điều trị sớm.
Gợi ý cho bạn: Áp xe răng ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!