Trẻ chậm mọc răng do đâu? Cách xử lý bố mẹ nên biết
Thông thường, trẻ sẽ mọc chiếc răng đầu tiên khi được 6 tháng tuổi. Thế nhưng thời điểm mọc răng ở mỗi bé có thể khác nhau do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khi bé đã trên 13 tháng tuổi và chiếc răng đầu tiên vẫn chưa mọc thì đây là tình trạng đáng báo động. Lúc này bố mẹ có thể kết luận trẻ chậm mọc răng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến con mọc răng chậm. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
Quá trình mọc răng ở trẻ nhỏ
Mỗi một sự thay đổi dù bé hay lớn ở trẻ luôn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cha mẹ. Vì vậy khi thấy trẻ chậm mọc răng, các bậc phụ huynh thường rất lo lắng và tìm hiểu nguyên nhân để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Thế nhưng răng mọc chậm ở trẻ nhỏ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên trước khi tìm hiểu về lý do khiến trẻ chậm mọc răng, bạn cần hiểu rõ về tiến trình mọc răng.
Cụ thể, trẻ nhỏ khi được 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu nhú chiếc răng đầu tiên và mọc đầy đủ răng vào khoảng 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có lịch trình mọc răng đều và xuyên suốt như vậy. Ở một số trường hợp trẻ mọc răng rất sớm, thế nhưng cũng có những bé hơn 1 tuổi vẫn chưa có dấu hiệu mọc răng. Vây tiến trình mọc răng cụ thể ở trẻ là như thế nào? Khi nào được coi là bé mọc răng chậm?
Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, thông thường số răng của trẻ sẽ bằng số tháng tuổi trừ đi 4. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, chiếc răng đầu tiên sẽ nhú ra. Răng hàm dưới của trẻ sẽ mọc trước sau đó đến hàm trên, tiếp theo là răng cối sữa thứ nhất, cuối cùng là răng nanh. Khi răng cối sữa thứ 2 mọc ra là lúc bộ răng sữa ở trẻ đã mọc đầy đủ. Lúc này bé đã có 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới ở khoảng 3 tuổi.
Chính xác thứ tự mọc răng của bé sẽ diễn ra theo tiến trình nguyên tắc như sau:
- Tháng thứ 7 trẻ bắt đầu mọc răng cửa
- Tháng thứ 11 bé mọc đủ 4 răng cửa giữa, gồm 2 răng hàm dưới và 2 răng hàm trên
- Tháng thứ 15 bé mọc thêm 4 răng cửa bên, tức là bé đã mọc đủ 8 chiếc răng cửa
- Tháng thứ 19 trẻ mọc thêm 4 răng hàm nhỏ
- Tháng thứ 23 bé mọc thêm 4 chiếc răng nanh
- Tháng thứ 27 bé mọc thêm 4 chiếc răng số 5
- Khi bé ở độ tuổi 6-12 sẽ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn
- Sau 17 tuổi trẻ mọc răng khôn
Đây là tiến trình mọc răng cơ bản ở mỗi trẻ nhỏ. Thế nhưng, nếu bé yêu đã được hơn 1 tuổi (13 tháng) nhưng vẫn chưa mọc cái răng nào thì bố mẹ có thể khẳng định là trẻ chậm mọc răng.
Như thế nào gọi là trẻ chậm mọc răng?
Như đã nói ở trên, trẻ chậm mọc răng là tình trạng ngoài 1 tuổi vẫn chưa có dấu hiệu nhú răng đầu tiên. Đối với những bé bị chậm mọc răng nhưng cơ thể vẫn phát triển thể chất bình thường thì đó là do sinh lý của trẻ. Ngược lại, với những trẻ chậm mọc răng đi kèm với hiện tượng nhẹ cân, thấp bé, còi cọc, hay đổ mồ hôi đêm, khó ngủ, quấy khóc,… thì khả năng trẻ chậm mọc răng là do chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt chưa phù hợp.
Để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám và tư vấn cách điều trị thích hợp.
Nguyên nhân khiến răng mọc chậm
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé mọc răng chậm quá. Chúng ta có thể phân chúng thành khách quan và chủ quan để dễ dàng nắm bắt. Cụ thể:
Nguyên nhân khách quan
Những nguyên nhân khách quan gây ra tình trạng răng mọc chậm ở trẻ nhỏ phải kể đến như:
- Do di truyền: Đây là một trong những lý do chính khiến bé yêu của bạn chậm mọc răng. Theo đó nếu như người thân trong gia đình, cụ thể là ông, bà, bố, mẹ có tiền sử răng mọc chậm thì trẻ sinh ra cũng sẽ gặp vấn đề này. Ở trường hợp này cách giải quyết duy nhất là đợi cho đến khi bé mọc đủ răng.
- Do thời điểm sinh muộn/sớm khác nhau: Theo đó những đứa trẻ bị sinh non, thiếu tháng, thiếu cân sẽ có nguy cơ cao bị mọc răng chậm so với những bé đủ tháng, đủ cân,…
- Khoang miệng nhiễm khuẩn: Trẻ bị nhiễm khuẩn khoang miệng, viêm lợi sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng mọc răng. Lúc này vi khuẩn hoặc nấm ngứa phát triển trong khoang miệng khiến cho nướu, lợi bị tổn thương. Từ đó dẫn đến trẻ không thể mọc răng theo đúng tiến trình bình thường. Bố mẹ có thể nhận biết trẻ bị nhiễm khuẩn khoang miệng qua mùi hơi thở. Theo đó hơi thở của trẻ sẽ có mùi hôi khó chịu kèm theo quấy khóc, đau nhức, chán ăn.
- Lợi của bé quá cứng: Trường hợp lợi của bé quá cứng, nướu không thể nứt ra cũng là nguyên nhân khiến răng mọc chậm. Vì vậy nếu mẹ sờ thấy nướu cứng nên đưa bé đến bác sĩ để được giúp đỡ. Hoặc mẹ có thể massage nướu để răng nhanh mọc hơn. Cụ thể mẹ dùng vải mềm hoặc gạc nhúng vào nước sạch hoặc nước muối sinh lý rồi massage nhẹ nhàng phần nướu của bé. Thời điểm tốt nhất để thực hiện massage nướu là trước khi ngủ và sau khi ăn.
Nguyên nhân chủ quan
Nguyên nhân chủ quan khiến bé khó mọc răng như:
- Do suy tuyến giáp: Tuyến giáp bị suy có thể là nguyên nhân khiến cho bé mọc răng chậm. Lúc này bố mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám. Không chỉ gây ảnh hưởng đến tiến trình mọc răng, suy tuyến giáp cũng có thể khiến bé chậm nói, chậm đi, thừa cân. Đây là những tác động tiêu cực với sự phát triển toàn diện ở bé yêu.
- Do bẩm sinh: Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, trẻ chậm mọc răng vĩnh viễn hay tạm thời có thể do bẩm sinh. Theo đó những trẻ đẻ non thường có tỷ lệ mọc răng chậm cao hơn những đứa bé đủ tháng.
- Thiếu hụt vitamin D: Vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể trẻ. Khi thiếu vitamin D cơ thể sẽ không sử dụng được canxi để xây dựng cấu trúc xương và răng. Từ đó gây nên tình trạng mọc răng chậm. Thiếu vitamin D thường xảy ra tự nhiên ở những trẻ sinh non, thiếu tháng. Vì vậy bố mẹ cần kịp thời bổ sung loại vitamin này để bé phát triển được toàn diện.
- Thiếu canxi: Lượng canxi không đủ sẽ khiến cho các mầm răng không thể phát triển và nhú dài ra được. Và cách tốt nhất để bù lượng canxi thiếu chính là cho bé uống sữa đầy đủ. Thông thường trong 6 tháng đầu, bé vẫn bú sữa mẹ, nếu mẹ kiêng khem quá nhiều sẽ dẫn đến thiếu canxi cung cấp cho bé. Ngoài ra, nếu cơ thể trẻ hấp thụ quá nhiều photpho cũng khiến cho việc dung nạp canxi giảm đi, ảnh hưởng đến việc mọc răng.
- Thiếu MK7: Đây là một loại vitamin K2 có chức năng đưa canxi ở mái vào xương và răng để giúp chúng phát triển nhanh và khỏe, đẹp hơn. Ở những bé đã đủ canxi và vitamin D nhưng thiếu mK7 thì hiệu quả giúp xương, răng chắc khỏe chỉ đạt 30%.
- Hấp thụ quá nhiều photpho: Khi cơ thể bé dung nạp quá nhiều photpho sẽ khiến cho việc hấp thụ canxi giảm đi. Từ đó dẫn đến tình trạng mầm răng lâu nhú ra khỏi nướu. Hơn nữa việc thừa photpho cũng khiến cho bé mắc các vấn đề nghiêm trọng khác như tim phình to, xơ cứng mạch máu, suy thận,…
- Bé bị suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ sẽ khiến cơ thể không tạo đủ năng lượng để cung cấp cho các hoạt động. Từ đó khiến răng mọc muộn hơn so với những đứa trẻ đầy đủ dinh dưỡng.
- Bé mắc một số bệnh lý khác: Trường hợp trẻ bị hội chứng Down hoặc gặp một số vấn đề về tuyến yên cũng ảnh hưởng đến khả năng mọc răng.
Con mọc răng chậm có nguy hiểm không?
Bố mẹ khi thấy bé mọc răng chậm sẽ vô cùng lo lắng và thắc mắc không biết tình trạng này có nguy hiểm không, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé như thế nào? Các bác sĩ cho biết, cha mẹ không nên quá lo lắng khi thấy bé chậm mọc răng. Bởi vấn đề này không gây nguy hiểm cho con nhỏ. Đồng thời bố mẹ nên lưu ý, tránh việc so sánh con mình với những đứa trẻ khác bởi thời điểm mọc răng ở mỗi bé có thể khác nhau. Một số bé 4 tháng răng đã nhú, nhưng cũng có bé 10 tháng mới bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên.
Trường hợp bố mẹ không yên tâm có thể đưa bé đi khám, chụp X-quang để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Mặc dù vậy bố mẹ cũng không được chủ quan khi thấy bé chậm mọc răng. Bởi tình trạng này diễn ra quá lâu có thể gây ra một số biến chứng không tốt về sau cho bé như:
- Răng vĩnh viễn bị mọc lệch do răng sữa của bé mọc chậm quá.
- Những chiếc răng vĩnh viễn mọc cùng lúc so với răng sữa. Từ đó tạo thành “hàm răng đôi”, hoặc răng vĩnh viễn mọc trước răng sữa. Hệ quả của việc này là cả 2 loại răng đều tồn tại song song khiến bé có 2 hàm.
- Quanh thân răng xuất hiện tình trạng viêm nhiễm do răng vẫn nằm dưới nướu.
- Bé có thể bị sâu răng ngay cả khi răng vẫn còn nằm dưới nướu. Vi khuẩn gây sâu răng cũng có thể phát triển và lây lan sang những chiếc răng khác, gây nên tình trạng hỏng nhiều chiếc răng.
Vì vậy ngay khi thấy dấu hiệu bé mọc chậm răng bố mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị.
Cách xử lý chậm mọc răng ở trẻ nhỏ bố mẹ nên biết
Khi thấy mẹ có dấu hiệu chậm mọc răng, điều đầu tiên bố mẹ cần làm chính là xem tình trạng sức khỏe bé. Cụ thể là tìm hiểu nguyên nhân khiến răng mọc chậm và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này. Theo đó để bố mẹ có thể tham khảo những lưu ý dưới đây khi thấy bé mọc răng chậm quá.
Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày cho bé
Những thói quen hằng ngày mẹ tạo cho bé có thể khiến răng mọc chậm hơn. Vì vậy để cải thiện vấn đề này bố mẹ hãy lưu ý những thói quen tốt sau:
- Như đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân khiến bé mọc răng chậm quá chính là thiếu vitamin D. Do đó bố mẹ nên cho bé tắm nắng vào buổi sáng ngay khi được 1 tháng tuổi. Bởi lẽ vitamin D có rất nhiều trong ánh nắng mặt trời. Bố mẹ nên duy trì thói quen này cho đến khi trẻ nhỏ mọc răng, biết đi. Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian tắm nắng tốt nhất cho con là từ 15-30 phút/ngày. Với những trẻ có làn da sậm màu hơn nên tắm nắng lâu hơn bé có làn da sáng.
- Tập cho bé thói quen ăn đúng bữa, không ăn vặt và ngủ đủ giấc. Đây đều là những thói quen tốt không chỉ với trẻ nhỏ mà cả với người lớn.
- Vệ sinh sạch sẽ răng miệng cho bé sau mỗi lần bú sữa hoặc ăn uống. Đặc biệt là lưỡi và khoang miệng là những bộ phận cha mẹ cần lưu ý.
Cải thiện dinh dưỡng để bé mọc răng nhanh hơn
Chế độ dinh dưỡng chính là một yếu tố quan trọng quyết định răng con mọc nhanh hay chậm. Vì thế bố mẹ nên:
- Bổ sung vitamin D và canxi cho bé mỗi ngày. Nếu ở dạng thuốc bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.
- Để bé mọc răng đúng tiến trình, mẹ nên đảm bảo đầy đủ các yếu tố chất đường, chất béo, đạm và tinh bột, sữa, thực phẩm từ động vật… trong bữa ăn mỗi ngày của con. Bạn có thể nêm thêm chút dầu ăn trong bát bột, cháo hoặc thức ăn cho trẻ.
- Cha mẹ nên cho bé ăn thêm các loại hoa quả tươi, hoặc ép lấy nước để bé uống.
Ngoài việc uống đủ sữa mỗi ngày, mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua, phô mai, hoặc các loại cốm, thực phẩm chức năng. Nó sẽ giúp con bổ sung canxi, vitamin D và một số khoáng chất cần thiết cho sự phát triển thể chất trẻ nhỏ.
- Mẹ nên cho bé uống từ 500-800ml sữa mỗi ngày. Đặc biệt, mẹ không được dùng nước cháo, nước rau củ hay nước bột, nước khoáng để pha sữa cho con. Những loại nước này sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi.
- Các bậc phụ huynh nên lưu ý trong việc lựa chọn nguồn gốc thực phẩm. Theo đó bố mẹ phải sử dụng những loại thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh, chế biến đúng quy trình, sạch sẽ.
- Ngoài ra, nếu người mẹ đang trong giai đoạn cho con bú không nên kiêng khem quá độ. Thay vào đó bạn nên ăn đủ chất, uống 2-3 ly sữa mỗi ngày để bé hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn thông qua sữa mẹ.
Khi nào cần đưa trẻ chậm mọc răng đi khám?
Khi áp dụng những biện pháp trên mà trẻ vẫn không có dấu hiệu mọc răng, bố mẹ nên hỏi người thân trong gia đình để xác định bé có phải chậm mọc răng do di truyền hay không. Nếu không phải, bố mẹ cần theo dõi những dấu hiệu của bé về cân nặng, giấc ngủ, chế độ ăn,… để nhanh chóng xác định bất thường trong sức khỏe.
Một số người quan niệm rằng chậm mọc răng là biểu hiện của sự thông minh. Thế nhưng đây là một suy nghĩ không chính xác và có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trường hợp bé lâu mọc răng, kết hợp với táo bón, quấy khóc, chán ăn bạn cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, bác sĩ có thể có bé thực hiện một số xét nghiệm hoặc chụp X-quang để xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể.
Như vậy trẻ chậm mọc răng là tình trạng không quá nguy hiểm, bố mẹ không nên quá lo lắng. Thế nhưng để tránh những biến chứng không tốt về sau, bạn nên đưa bé tới gặp nha sĩ khi thấy 13 tháng trẻ vẫn chưa nhú chiếc răng đầu tiên. Ngoài ra bố mẹ cũng cần thay đổi thói quen và chế độ dinh dưỡng một cách phù hợp để đảm bảo trẻ được phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!