Sún Răng Ở Trẻ Nhỏ Nguy Hiểm Thế Nào? Cách Khắc Phục An Toàn
Sún răng là tình trạng dễ gặp ở trẻ từ dưới 3 tuổi, đây là bệnh lý khá phổ biến nên gây nên tâm lý chủ quan cho nhiều bậc phụ huynh. Sai lầm của nhiều người là nghĩ rằng sún răng không nguy hiểm vì về sau răng sữa sẽ thay bởi răng vĩnh viễn. Bệnh lý này có nhiều vấn đề khiến bạn phải lưu ý hơn, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Bệnh sún răng là gì?
Cơ thể người chỉ có một lần thay răng duy nhất, đó là từ răng sữa sang răng vĩnh viễn khi trẻ khoảng 5 – 6. Răng sữa bắt đầu mọc khi trẻ được 6 tháng tuổi và là cấu trúc răng đầu tiên có được. Sún răng được gọi là một dạng bệnh lý mà cơ chế của nó trực tiếp phá hủy cấu trúc răng sữa này.
Đa số trẻ nhỏ đều từng bị sún răng, bệnh không kiểm soát và chữa trị sớm có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng khoang miệng, khiến trẻ mất răng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của các răng vĩnh viễn về sau.
Thực tế, răng sữa cũng có vai trò như các răng vĩnh viễn. Chúng đều có cấu tạo với lớp vỏ cứng ngoài, lớp men răng, ngà răng và buồng tủy. Tuy nhiên, cấu trúc này ở răng sữa rất mỏng và nhạy cảm. Chúng dễ bị tấn công và tổn thương bởi các tác động từ vi khuẩn hoặc ngoại lực. Khi bị tấn công bởi vi khuẩn, men răng răng sữa dần bị phá hủy, răng mủn dần và tiêu biến. Quá trình này được gọi là sún răng.
Sún răng ở trẻ không gây ra cảm giác đau nhức nên trẻ thường không mấy quan tâm. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đó là răng dần tiêu nhỏ lại, màu đen và có các lỗ trên răng. Trẻ bị sún răng sữa ban đầu sẽ khiến phần lợi cứng lại kèm theo mùi hơi thở khó chịu. Sau khoảng 1 – 3 năm khi răng sữa tiêu biến, răng vĩnh viễn sẽ mọc lên ở cùng vị trí đó.
Nguyên nhân trẻ bị sún răng?
Thường các bố mẹ luôn cho răng, sún răng là do trẻ ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt. Đúng nhưng chưa đủ, sún răng còn do nhiều yếu tố khác gây nên.
- Thói quen ăn uống: Trẻ nhỏ thường bị hấp dẫn bởi những món đồ ngọt, trong khi đường trong các loại đồ ăn này là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho các loại vi khuẩn gây bệnh cho răng. Trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ, ăn xong không vệ sinh răng miệng khiến các cặn đồ ăn bám lại trên bề mặt răng, tạo điều kiện cho sự tấn công và phá hủy răng của vi khuẩn.
- Vi khuẩn tấn công: Như đã biết, cấu trúc răng sữa rất mềm, mỏng và nhạy cảm. Rất khó để men răng có thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng sún răng bùng phát.
- Không chú trọng chăm sóc răng miệng: Trẻ nhỏ chưa thể nhận thức rõ ràng về vấn đề vệ sinh răng miệng. Vì thế, vấn đề này bố mẹ đặc biệt phải chú ý. Bố mẹ thường có suy nghĩ con không ăn nhiều, không cần vệ sinh kỹ. Thực tế, dù là trẻ sơ sinh chưa đến giai đoạn ăn dặm cũng cần vệ sinh răng, vệ sinh nướu vì vi khuẩn luôn tồn tại trong khoang miệng chờ đợi cơ hội để bùng phát. Bố mẹ nên đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh miệng cho con sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Cấu trúc răng miệng bẩm sinh: Nhiều em bé có cấu trúc răng yếu bẩm sinh do khi mẹ mang bầu cần sử dụng đến một số loại kháng sinh. Hoặc khi em bé sinh ra gặp phải các vấn đề về sức khỏe, bắt buộc phải dùng đến kháng sinh cũng khiến răng bé yếu hơn rất nhiều và dễ bị sún răng.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi: Canxi là thành phần chính cấu thành nên răng, xương ở cơ thể người. Thiếu canxi có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng mọc chậm, răng yếu, men răng mỏng,…
Sún răng có nguy hiểm không?
Vì sún răng không gây đau và răng sữa về sau cũng sẽ được thay thế nên nhiều bố mẹ vẫn nghĩ sún răng chỉ là hiện tượng đơn thuần ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo nhiều bác sĩ nha khoa, việc quan tâm đến các dấu hiệu sức khỏe răng miệng ở trẻ nhỏ, trong đó có sún răng là vô cùng cần thiết. Bởi bệnh sún răng có thể là nguyên nhân gây nên một số vấn đề như sau:
Trẻ nói ngọng, nói lựu
Răng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát âm của chúng ta, đặc biệt răng sữa tồn tại khi trẻ bắt đầu tập nói nên nhóm răng này càng có vai trò đặc biệt hơn. Những hiện tượng phát âm không rõ ràng, nói ngọng, nói đớt có thể là do thiếu răng hoặc cấu trúc răng sai lệch.
Thực tế, nói ngọng không gây nguy hiểm nhưng về sau sẽ tạo thành thói quen xấu cho con, khi con lớn lên vẫn không thể sửa được. Giọng nói chuẩn ngay từ khi còn bé sẽ là nền tảng tốt cho việc giao tiếp về sau của con nên bố mẹ không nên chủ quan.
Chức năng nhai suy giảm
Răng bị sún thường sẽ bị mòn đi khá nhiều, nhiều trẻ răng sún đen chỉ còn lại chân răng, răng thưa, răng nhỏ, răng dài ngắn không đều,… Điều này chắc chắn sẽ khiến việc nghiền nát thức ăn bị ảnh hưởng.
Thức ăn không được nghiền nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa non nớt của con. Chưa kể, nếu chỉ còn chân răng, tác động nhai sẽ áp lên phần hàm, khiến hàm bị tổn thương. Nhiều trường hợp sún răng còn khiến con bị đau khi nhai, khiến con sợ việc ăn nhai, chán ăn, bỏ bữa, nhất là với các trường hợp trẻ 9 tháng bị sún răng, trẻ 1 tuổi bị sún răng.
Ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn
Răng vĩnh viễn sẽ bắt đầu mọc khi trẻ bước vào độ tuổi từ 5 – 6 tuổi cho đến khi trẻ 12 – 13 tuổi. Răng vĩnh viễn sẽ mọc đúng vị trí răng sữa mất đi nên sức khỏe răng sữa cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những chiếc răng về sau.
Nếu răng sữa bị sâu và tiêu răng sớm, răng vĩnh viễn chưa kịp mọc sẽ khiến phần lợi bị bỏ trống trong một khoảng thời gian dài. Điều này khiến lợi bị cứng lại, về sau có thể răng vĩnh viễn sẽ gặp khó khăn khi nhú lên. Hoặc sún răng cũng có thể khiến các răng bị đẩy xô lệch, khiến răng vĩnh viễn mọc lên không đúng vị trí, mọc nghiêng, mọc ngầm,… ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ về sau.
Gây bệnh về nướu
Vi khuẩn gây sâu răng cũng sẽ là yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến các tổ chức khác trong miệng, trong đó có lợi nướu. Sún răng thường kèm theo hiện tượng viêm nướu, sưng nướu và nặng hơn là nhiễm trùng.
Răng sữa về sau sẽ được thay thế nhưng những vấn đề về răng sữa tuyệt đối không nên chủ quan, đặc biệt là hiện tượng sún răng. Các bậc phụ huynh khi phát hiện những dấu hiệu sún răng ở trẻ, hãy cho trẻ đến khám bác sĩ để có phương án điều trị ngay tức thời.
Biện pháp điều trị sún răng ở trẻ em
Thực tế, điều trị răng sún tốn khá nhiều thời gian, vì các vi khuẩn rất khó để loại bỏ triệt để và các tổn thương trên răng cũng không thể lành lại như cũ. Nguyên tắc của điều trị răng sún là ngăn chặn các tổn thương lan rộng và kiểm soát bệnh ở mức an toàn.
Điều trị tại nhà
Có nhiều phương án bố mẹ có thể dễ dàng áp dụng tại nhà cho con em mình như sau:
Súc miệng nước muối loãng
Muối có khả năng kháng khuẩn tốt, đặc biệt là lành tính với trẻ nhỏ. Chỉ cần sử dụng nước muối pha loãng mỗi ngày, vấn đề sâu răng, sún răng ở trẻ đã phần nào được kiểm soát. Để an toàn nhất, bố mẹ nên áp dụng cách dùng nước muối như sau:
- Đun sôi nước cùng 1 – 2 thìa muối tinh, để nước nguội hẳn rồi lọc lại bằng bông gạch rồi cất vào bình kín bảo quản.
- Mỗi ngày cho trẻ súc miệng bằng nước muối 1 lần trước khi đi ngủ, 1 lần sau khi ngủ dậy, sau khi súc miệng bằng nước muối cần cho trẻ súc miệng lại bằng nước sạch. Súc miệng có thể thực hiện sau bước đánh răng.
- Chỉ nên cho trẻ từ 3 tuổi súc miệng bằng nước muối vì các em bé nhỏ hơn sẽ thường có xu hướng nuốt nước vào bụng.
Chữa sún răng với lá trầu không
Đây là cách chữa sâu răng đã được lan truyền từ xưa đến nay, được nhiều người sử dụng và kiểm chứng hiệu quả. Công dụng chữa sún răng có được là do lá trầu có chữa thành phần kháng khuẩn, kháng viêm rất tốt. Cách thực hiện như sau:
- Chọn loại lá trầu không bị sâu bệnh, đem rửa sạch rồi cho vào cối giã thật nhuyễn.
- Thêm một ít nước, hoàn rồi vắt bỏ bã, lấy phần nước thấm bông và đắp lên vùng răng bị sún
- Một cách khác bố mẹ có thể dùng đó là đun lá trầu để lấy nước súc miệng hàng ngày. Nước lá trầu không nên để qua đêm, chỉ nên dùng trong ngày.
Rễ cây lá lốt có khả năng chữa sâu răng
Rễ cây lá lốt cũng chứa một loại tinh dầu với khả năng ức chế sự hoạt động của các loại vi khuẩn gây sún răng. Sử dụng cách này vừa giúp ngăn chặn sún răng lan rộng, vừa giúp phòng ngừa bệnh sâu răng rất tốt. Cách áp dụng thực hiện như sau:
- Bố mẹ sử dụng rễ lá lốt tươi rửa thật sạch, đem giã nhuyễn cùng với một vài hạt muối tinh.
- Phần nước cốt thu được dùng tăm bông thấm và chấm lên các vị trí răng sâu
- Bố mẹ nên áp dụng cách này mỗi ngày 2 – 3 lần.
Dùng mẹo sẽ rất an toàn cho bé, tuy nhiên hiệu quả chỉ có giới hạn, các bài thuốc kể trên chỉ phù hợp với những tình trạng sún răng nhẹ, chưa ăn sâu và chưa gây viêm diện rộng.
Sún răng khi nào cần đến gặp bác sĩ? Khám ở đâu?
Với những trường hợp sún răng gây đau, đã áp dụng các mẹo vệ sinh răng miệng nhưng trẻ vẫn không cảm thấy thoải mái, bạn cần đưa con đến gặp nha khoa càng sớm càng tốt. Có thể những trường hợp này, vi khuẩn đã xâm nhập sâu vào tủy răng hoặc gây viêm trên lợi.
Lúc này, các nha sĩ có thể dựa vào tình trạng của con để đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
- Nếu răng bị sún vừa phải, chưa ăn sâu, chưa lan rộng có thể chỉ định trám răng, bảo tồn răng sữa và ngăn chặn vi khuẩn gây hại.
- Trường hợp sâu nặng và chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể phải tiến hành nhổ bỏ để vi khuẩn không lan rộng quá mức.
Tuy nhiên, nhổ răng quá sớm là điều không hề tốt cho bé, khi mà răng vĩnh viễn chưa sẵn sàng để mọc. Vì thế, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý về việc chăm sóc răng miệng cho trẻ, tránh việc phải nhổ răng tối đa.
Bạn có thể cho con đến khám và điều trị các bệnh răng miệng tại một trong các địa chỉ sau đây:
- Khoa Răng trẻ em – Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Hà Nội
- Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội
- Khoa Răng hàm mặt – Bệnh Viện Bạch Mai Hà Nội
- Khoa Răng hàm mặt – Bệnh viện Quân y 7A Hà nội
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố Hồ Chí Minh
- Khoa Răng hàm mặt – Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội
- Khoa Nha & Phẫu Thuật Hàm Mặt – Bệnh Viện FV Thành phố Hồ Chí Minh
- Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhân Dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh
Trẻ bị sún răng viêm lợi nên ăn gì? Kiêng gì? Phòng ngừa thế nào?
Chế độ ăn của trẻ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển của răng. Đặc biệt ở các em bé sún răng, nếu ăn uống không đúng cách tình trạng răng sún sẽ càng nặng nề hơn rất nhiều lần. Các bậc phụ huynh nên đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, đặc biệt cần chú ý:
Thực phẩm nên ăn:
- Thực phẩm giàu canxi và vitamin D: Tăng cường dưỡng chất để nuôi dưỡng răng khỏe mạnh và chắc chắn, phục hồi những tổn thương bề mặt do acid bào mòn.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Kích thích tiết nhiều nước bọt hơn, làm sạch răng miệng một cách liên tục, thúc đẩy tái tạo men răng rất hiệu quả.
Thực phẩm nên tránh:
- Các loại trái cây không có lợi cho men răng, cụ thể là cà chua, táo, cam, quýt, sung,…
- Các loại đồ ngọt, đồ ăn chứa nhiều đường
- Các loại đồ ăn cứng, cần dùng lực mạnh để cắn có thể khiến răng trẻ bị mòn, mẻ, sún răng nặng hơn.
Cách phòng ngừa sún răng ở trẻ em:
- Đặc biệt chú ý vệ sinh răng miệng ngay từ khi răng sữa đầu tiên mọc lên. Các bé còn nhỏ có thể sử dụng bông gạc để làm sạch, các bé lớn hơn bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ học cách đánh răng.
- Không cho trẻ uống sữa trước khi đi ngủ, nếu có uống cần vệ sinh sạch sẽ răng miệng rồi mới đi ngủ.
- Ăn uống theo chế độ đã định sẵn, hạn chế tối đa việc dùng đồ ngọt, các đồ ăn gây hại cho men răng,… Bố mẹ nên nhẹ nhàng khuyên bảo con, tránh cấm đoán quá khiến trẻ sợ hãi.
- Không tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc trị sâu răng cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tập cho trẻ cách từ bỏ các thói quen xấu như bú đêm, nhai cơm lâu,…
- Khám sức khỏe răng miệng định kỳ cho trẻ 3 – 6 tháng 1 lần để dự phòng các vấn đề liên quan đến răng miệng.
Sún răng ở trẻ em có thể không quá nguy hiểm nhưng tuyệt đối cũng không thể chủ quan. Răng sữa và răng vĩnh viễn có mối quan hệ rất mật thiết với nhau, răng cũng là hệ cơ quan chỉ thay thế một lần duy nhất trong đời. Việc điều trị các sai lệch về răng khi trưởng thành rất đau đớn và tốn kém, do vậy chăm sóc răng từ bé là vô cùng cần thiết. Bố mẹ hãy đặc biệt quan tâm đến tình trạng răng của con em mình, chủ động thăm khám sớm đề phòng những biến chứng không mong muốn xảy ra.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!